Ở Việt Nam chắc chẳng có ông chủ tịch hội đồng quản trị kiêm giám đốc nào có mức lương 1 triệu đồng/năm như ông Nguyễn Thành Út.
Ông Út nói: "Chỉ nhìn vào mức lương của tôi là có thể hiểu nghề muối đang đứng ở đâu trong xã hội". Tôi thấy câu nói này mặn còn hơn cả muối.
"Muối mặn khó nuốt"
Giữa tháng 9, chúng tôi trở lại đồng muối Sa Huỳnh, theo như lịch làm muối thì còn một tháng nữa mới hết mùa. Ấy vậy nhưng đồng muối vắng tanh, chỉ có vài diêm dân già như cụ Nguyễn Ngọc Cảnh (84 tuổi) lững thững bước trên con đê cấp nước mặn cho đồng muối Sa Huỳnh.
Diêm dân Sa Huỳnh đã bỏ muối hơn một tháng qua, bởi hàng nghìn tấn muối thương phẩm vẫn chưa có ai rớ tới. Cụ Cảnh đã không còn làm muối nữa, đi thăm gần chục sào muối của con cháu mình vừa bỏ hoang. Vụ rồi, con ông làm nửa mùa thì bỏ ruộng, không làm nữa.
Cụ Cảnh tiếc rẻ cho cái nghề đã gắn bó với gia đình mình mấy đời giờ đây đứng trước nguy cơ thất truyền, nhưng rồi cụ cũng thông cảm khi con cháu không thể tiếp tục "bán mồ hôi cho mặt trời" lấy từng đồng bạc lẻ.
Cụ nói: "Muối mặn quá nên ngày càng khó nuốt, con tôi làm được mấy chục tấn, kiếm người bán nhưng không ai mua. Bám vào mấy sào muối có nước đói thôi, nó phải bỏ đi làm nghề khác để nuôi con nuôi cháu".
Đứng giữa cánh đồng muối nhìn về tứ phía là những ruộng muối vắng tanh, được bao bọc bởi hàng nghìn ụ muối lớn nhỏ của người dân.
Và một hình ảnh mà bất kỳ ai nhìn vào cũng buồn là cạnh những ụ muối không ai mua ấy là Nhà máy muối tinh chất lượng cao Sa Huỳnh được Công ty TNHH Dược - vật tư y tế Quảng Ngãi đầu tư 5 tỉ đồng, xây dựng được 10 năm nhưng thời gian bỏ hoang là 9 năm.
Bi kịch là khi mới xây dựng, hơn 300 hộ dân làm muối ở đây từng hi vọng nhà máy này giúp họ sống được với nghề.
Ông Nguyễn Thành Út cho biết hơn một năm nay chưa một lần dùng chữ ký của mình thương thảo hợp đồng với đối tác để giúp xã viên bán muối.
Hôm nay, ông đi ký giấy xác nhận cho hơn 300 hộ dân làm muối nhận gạo cứu đói từ UBND tỉnh Quảng Ngãi. Ông Út bảo ba tháng tới nếu không bán được muối, mỗi khẩu diêm dân vẫn có 45kg gạo cứu đói cũng đỡ phần nào.
Anh Nguyễn Nhỏ (42 tuổi) đến nhà ông Út giữa trưa, lấy chiếc mũ bạc phếch lau ngang những giọt mồ hôi chảy đầy trán. Anh vừa đi chẻ đá trên núi về, vội mang hộ khẩu đến nhà ông Út để đối chiếu nhân khẩu nhận gạo.
Anh cho biết: "Dãy ruộng muối của tôi hơn chục hộ mà mùa này chỉ có tôi làm, còn lại bỏ hoang hết. Vợ chồng tôi còn làm muối vì tôi có nghề chẻ đá bù vào. Cứ trưa chiều thì xuống cào muối cùng vợ. Bỏ thì tiếc, mà làm thì điếc đầu cũng chả có ăn".
Ở Sa Huỳnh, diêm dân biến thành thợ chẻ đá như anh Nhỏ phải lên đến hàng trăm người.
Mùa muối này, cánh đồng muối Sa Huỳnh rộng 116ha từng là nguồn sống của hơn 500 hộ dân đã vắng gần 120 hộ, bỏ hoang hơn 30ha muối. Những hộ này vẫn được nhận gạo cứu đói của tỉnh Quảng Ngãi vì như ông Út nói, họ yêu nghề nhưng còn con cái phải lo nên đành bỏ nghề.
"Họ đã đi đâu hết rồi chú Út?" - tôi hỏi. Ông Út lại cười, đôi mắt hướng về hư không.
Ông nói: "Thanh niên chịu được sóng gió thì đi biển làm ngư dân, còn lại thì lang bạt khắp từ TP.HCM, Đồng Nai, Đà Nẵng, Huế, Nghệ An làm đủ nghề. Phần lớn đi bán hủ tiếu gõ". Ngay cả gia đình ông Út thì hai con trai và vợ ông cũng đi bán hủ tiếu gõ.
Chị Huân tha hương bán hủ tiếu vì không sống nổi với muối nữa - Ảnh: TRẦN MAI
Bỏ làng mà đi
Đi tìm những người rời đồng muối tha hương, tôi đặt chân đến Huế trong ngày áp thấp nhiệt đới đổ về. Bên hiên nhà cạnh Chợ Cống (phường Xuân Phú, TP Huế), chị Trần Thị Huân (44 tuổi) cùng với con gái Nguyễn Thị Xuân Hiếu (17 tuổi) đang bán hủ tiếu gõ cho vài người khách.
Hôm nay mưa lớn nên khách ít, người đàn bà cả đời gắn bó với muối bảo: "Muối được mấy đồng bạc đâu mà theo, không đủ mua gạo chứ đừng nói là ăn uống, cho con cái học hành".
Mỗi ngày, chị bắt đầu đẩy xe đi bán lúc 13g mãi đến 3g sáng hôm sau thì nghỉ, 7g lại dậy đi mua thịt, rau về chuẩn bị chiều bán tiếp. Hôm nào may mắn lắm thì ngủ được buổi trưa. Vật vờ trong đêm như thế, mẹ con chị Huân bảo "mệt đừ luôn" nhưng vẫn khỏe hơn làm muối.
Ở quê lúc nào cũng gánh nặng vác nặng.
"Cực chẳng đã mới tha phương, mấy lần hai mẹ con tính về, nhưng nghĩ lại về rồi bám vào muối thì sống sao nổi. Làm muối thì buổi trưa nắng đã phải ra đồng, đến hai ba giờ chiều mới ăn được hột cơm.
Đói đến run tay, run chân cũng phải ráng chịu. Vậy mà không đủ sống. Hồi còn bám muối, mưa xuống là tôi vác rựa đi lên núi lột vỏ cây kiếm thêm, chứ làm muối không sống nổi" - chị Huân nói.
Có lẽ hơn 20 năm làm muối, vị mặn ấy đã thấm vào trong suy nghĩ của người đàn bà góa chồng này.
Năm 2007, làm xong vụ muối mà không có đồng bạc lận lưng, chồng chị bèn đi theo tàu cá kiếm tiền thì bị đột quỵ qua đời. Chị bảo mỗi lần về quê nhìn muối chị lại buồn, dù trong lòng rất muốn về quê.
Ở góc đường gần ký túc xá Đại học Huế có một chàng trai 25 tuổi đang bán hủ tiếu. Đó không phải ai xa lạ, mà chính là con trai yêu quý Nguyễn Thành Hải của ông giám đốc Hợp tác xã muối Sa Huỳnh.
Chàng trai này khẳng định thanh niên ở Sa Huỳnh chẳng ai theo nghề muối nữa. Hải từng theo cha làm muối, bán mặt cho muối bán lưng cho trời.
Rồi cũng vì muối mà Hải lang bạt ra Huế bán hủ tiếu. "Hồi năm 2002, 1kg muối có giá 2.000 đồng. Cha tôi bán 10 tấn muối mua được chiếc xe Dream.
Vậy mà giờ giá chỉ còn 300-600 đồng/kg thì sống sao nổi. Vừa rồi tôi nghe ba đi đám cưới mà phải bán một tấn muối mới đủ tiền bỏ phong bì" - Hải nói.
Gánh hủ tiếu Hải đang bán là do anh trai Nguyễn Thành Công để lại. Công giờ lang bạt ra tận TP Vinh cũng chỉ để bán hủ tiếu.
Công rời làng trước Hải và quyết không về lại quê làm muối như cha mình. Công bảo mệt quá vì muối rồi khi nghe ông Út nói vụ rồi làm được 25 tấn muối mà chưa bán được.
"Vừa rồi về quê ăn giỗ thấy muối chất đống tùm lum mà có ai mua đâu. Về đó làm một mùa muối ròng rã 8 tháng trời không bằng thức đêm bán hủ tiếu một tháng thì về chi" - Công nói.
Tôi nghe hai chàng trai này nói mà xót cho cuộc đời diêm dân ở Sa Huỳnh quê mình. Họ đã cố gắng để sống với nghề, nhưng nghề lại phụ họ. Đồng muối giờ hoang vắng, muối chất đầy đồng, tràn bãi mà những cư dân của muối cứ lần lượt bỏ làng lầm lũi ra đi.
Mỗi năm Việt Nam nhập 102.000 tấn muối
Theo ông Lê Quốc Phương - phó giám đốc Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại (Bộ Công thương), mỗi năm VN nhập khẩu 102.000 tấn muối bao gồm cả muối ăn và muối công nghiệp.
Cũng theo ông Phương, VN sản xuất được nhiều muối ăn nhưng giá thành cao nên không cạnh tranh được, muối công nghiệp thì không sản xuất được hoặc có sản xuất nhưng không đảm bảo yêu cầu. Vì thế việc muối VN thua ngay trên sân nhà là tất yếu.Ngọc An
Chỉ đạo tạm trữ muối
Ngày 16-6, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu Bộ NN&PTNT chỉ đạo Tổng công ty Lương thực miền Bắc mua tạm trữ muối niên vụ 2016 của diêm dân.
Việc mua tạm trữ muối ưu tiên tại những địa phương bị tồn đọng lớn và thực hiện theo cơ chế thị trường, đảm bảo mục tiêu bình ổn giá muối trên thị trường, giúp người sản xuất tiêu thụ muối với giá có lợi.
Tuy nhiên, với lượng muối tồn đọng lên đến trên 5.500 tấn, diêm dân Sa Huỳnh vẫn chưa được thụ hưởng chương trình "giải cứu" này của Chính phủ.
Ông Trần Em, chủ tịch UBND huyện Đức Phổ, cho biết đến giờ này vẫn chưa thấy đơn vị nào đến Sa Huỳnh đề nghị mua muối tạm trữ. Cũng theo ông Em, hiện nay ở Sa Huỳnh nếu người dân làm nghề muối mà không làm nghề khác thì không sống nổi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét