Tính đến 20/08/2016, đã có 48 doanh nghiệp được phê duyệt phương án cổ phần hóa, con số này chỉ tương đương 21,6% kết quả thực hiện của năm 2015.
Tuy nhiên, tốc độ phê duyệt cổ phần hóa như vậy là phù hợp với mục tiêu cổ phần hóa giai đoạn 2016-2020 chỉ khoảng 250-280 doanh nghiệp, bằng một nửa giai đoạn 2011- 2015.
Tốc độ bán cổ phần lần đầu ra công chúng duy trì ổn định so với năm trước, đồng thời tỷ lệ thành công có cải thiện (tăng từ 45% lên 75%).
Như vậy, mức độ quan tâm của NĐT đối với các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đang cải thiện, đặc biệt là những phiên đấu giá cổ phần của các tổng công ty (TCT Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam, TCT Dược Việt Nam, TCT Viglacera, TCT Chăn nuôi….).
Giá trị cổ phần bán được trong 8 tháng đầu năm cũng tăng trưởng hơn 60% so với thực hiện của cả năm 2015 nhờ vào giá trị lớn của các TCT này.
Trong năm 2015, tổng giá trị cổ phần bán được từ 10 đợt bán vốn nhà nước lớn nhất trong năm là 3.676 tỷ đồng.
Cụ thể, IPO Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam thu về 1.116 tỷ đồng; Cảng Sài Gòn 441 tỷ đồng; Thăng Long GTC 363 tỷ đồng; Công ty TNHH MTV Du lịch Dịch vụ Hà Nội 299 tỷ đồng; Tổng công ty rau quả, nông sản 278 tỷ đồng; Công ty TNHH MTV Du lịch Dịch vụ Dầu khí Việt Nam 271 tỷ đồng; Công ty TNHH MTV Thương mại và Dịch vụ Tràng Thi 255 tỷ đồng; Điện Cơ Thống Nhất 244 tỷ đồng; Tổng Công ty xây dựng và phát triển hạ tầng 213 tỷ đồng; Công ty TNHH MTV Công trình giao thông Công chính 196 tỷ đồng.
Trong khi đó, tổng giá trị cổ phần bán được từ 10 đợt bán vốn nhà nước lớn nhất trong 8 tháng đầu năm 2016 đã lên đến 7.222 tỷ đồng.
Cụ thể, IPO VEAM thu về 2.136 tỷ đồng; Tổng Công ty công nghiệp Ô tô Việt Nam 1.251 tỷ đồng; Vissan 907 tỷ đồng; Công ty TNHH MTV Phát triển Kinh doanh nhà 782 tỷ đồng; Tổng Công ty Dược Việt Nam 444 tỷ đồng; Tổng Công ty Viglacera 418 tỷ đồng; Tổng Công ty Chăn nuôi Việt Nam 395 tỷ đồng; CTCP Tisco 341 tỷ đồng; CTCP Việt Pháp sản xuất thức ăn gia súc 285 tỷ đồng; và Tổng Công ty Vật liệu xây dựng số 1 là 263 tỷ đồng.
Điểm nổi bật nhất trong thời gian qua là việc nới room cho nhà đầu tư nước ngoài tại Vinamilk, bước đầu cho việc thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp số 1 trên sàn chứng khoán Việt Nam. Mới đây, Chính phủ tuyên bố sẽ tích cực bán vốn nhà nước tại Habeco và Sabeco.
Yêu cầu niêm yết hai doanh nghiệp dẫn đầu trong ngành bia này trước khi nhà nước thực hiện thoái vốn sẽ là câu chuyện được nhiều NĐT quan tâm, cũng là một trong những nỗ lực mới nhất của Chính phủ mới nhằm thúc đẩy tính thực chất của quá trình tái cơ cấu DNNN.
Danh sách 12 doanh nghiệp nhà nước dự định thoái vốn đã được công bố trước đó, nhà đầu tư chờ đợi ở 2 đợt thoái vốn nhà nước tại Habeco và Sabeco với tỷ lệ sở hữu nhà nước lần lượt là 81,8% và 89,6%.
Theo PGS – TS. Võ Trí Hảo, ngoài những doanh nghiệp kể trên, nhà nước cần nhanh chóng thoái vốn khỏi hai lĩnh vực thuốc lá và xổ số kiến thiết. Đây là hai lĩnh vực mang lại nguồn thu khổng lồ, nhưng lại góp phần gây tác động xấu đến sức khỏe người dân (thuốc lá).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét