Thứ Ba, 4 tháng 10, 2016

Tại sao Phạm Công Danh lấy tiền của VNCB trả cho BIDV?

Tại tòa sơ thẩm, Phan Thành Mai thừa nhận tổng tài sản của Tập đoàn Thiên Thanh chỉ trên 1.000 tỷ đồng (chưa trừ nợ vay).

Phần lớn số tiền hơn 3.600 tỷ đồng trả cho nhóm Phú Mỹ để mua cổ phần ngân hàng đều được Danh rút ra từ VNCB, số tiền tăng vốn điều lệ 4.500 tỷ đồng cũng xác định có nguồn gốc từ vốn vay BIDV.

Hội đồng xét xử không chấp nhận quan điểm của các luật sư bào chữa cho Phạm Công Danh cho rằng Phạm Công Danh phạm tội trong bối cảnh bỏ ra vài ngàn tỷ đồng tiếp quản VNCB trong tình trạng xấu. Bản án sơ thẩm khẳng định bối cảnh và nguyên nhân như các luật sư nêu đều do Phạm Công Danh tạo ra.

Vay tiền BIDV bằng Hợp đồng khống? Theo kết luận điều tra, Phạm Công Danh lập ra 12 Cty, sử dụng 67 Hợp đồng mua bán nguyên vật liệu xây dựng khống được ký giữa 12 Cty với các doanh nghiệp khác để vay BIDV số tiền 4.700 tỷ đồng.

Mục đích, phương án sử dụng vốn trong hồ sơ vay đều là kinh doanh mua bán vật liệu xây dựng, núp dưới danh nghĩa thực hiện chương trình "liên kết 4 nhà" của Phạm Công Danh.

Phạm Công Trung (em ruột Phạm Công Danh), là người được Danh giao tìm người đứng tên thành lập 12 Cty, cùng các cá nhân khác lập các hợp đồng khống.

Chính vì vậy Phạm Công Trung đã bị Cơ quan điều tra khởi tố, bắt giam. Nhưng VKSND Tối cao đã không phê chuẩn các quyết định này.

Nhằm vay vốn BIDV, ngoài tài sản thế chấp, Phạm Công Danh còn dùng hơn 3.000 tỷ đồng của VNCB gửi sang BIDV để bảo đảm cho nghĩa vụ trả nợ cho 12 Cty của Phạm Công Danh.

Việc dùng tiền gửi của VNCB bảo đảm cho các khoản vay này không được hạch toán trên hệ thống của VNCB. BIDV đã trích hơn 2.500 tỷ đồng của VNCB để thu nợ.

Cũng theo kết luận điều tra, 12 Cty đều không kinh doanh vật liệu xây dựng, giám đốc các Cty đều là nhân viên dưới quyền Phạm Công Danh và Phạm Công Trung hoặc người nhà của họ.

Cán bộ tín dụng các chi nhánh BIDV không gặp gỡ trực tiếp, phỏng vấn, thẩm định khách hàng, báo cáo tài chính, phương án kinh doanh …

Bản án sơ thẩm nêu số tiền vay BIDV 4.700 tỷ đồng được Danh sử dụng tăng vốn điều lệ VNCB. Các cá nhân đứng tên mua cổ phần tăng vốn có: Phạm Tòa (bố Danh); Quách Thị Kim Chi (vợ Danh); Phạm Công Trung, Phạm Thị Hồng Hoa, Phạm Thị Kim Loan, Phạm Thị Hồng Liên đều là em Danh…

Như vậy, hồ sơ vay, mục đích vay của Phạm Công Danh là gian dối. Đến đầu năm 2014, do BIDV liên tục thúc giục việc trả nợ.

Danh tiếp tục tổ chức họp và chỉ đạo Phan Thành Mai, Mai Hữu Khương, Nguyễn Quốc Viễn phải cho các công ty thuộc Tập đoàn Thiên Thanh vay vốn tại VNCB để trả nợ BIDV.

Rút tiền VNCB trả cho BIDV, đó là Phạm Công Danh đã sử dụng pháp nhân của 14 Cty để vay 5.000 tỷ đồng tại VNCB. Hiện 13 Cty còn nợ với tổng số tiền 4.700 tỷ đồng. Theo hồ sơ vay, báo cáo tài chính của các Cty vay vốn đều là báo cáo nội bộ, không có báo cáo nộp cho cơ quan thuế, không có tờ khai thuế.

Trên thực tế, các Cty này đều không có hoạt động kinh doanh, không có doanh thu mua vào, bán ra. Hồ sơ vay vốn gồm phương án trả nợ, phương án kinh doanh, các hợp đồng mua bán nguyên vật liệu, chuyển nhượng bất động sản đều là khống.

Toàn bộ số tiền 4.700 tỷ đồng rút từ VNCB được chuyển cho Phạm Công Danh và Tập đoàn Thiên Thanh sử dụng. Bản án sơ thẩm nhận định, thực chất VNCB đã cho Danh vay. Phạm Công Danh, Chủ tịch HĐQT VNCB là đối tượng bị cấm cho vay nên các bị cáo đã phải làm hồ sơ khống để che dấu việc này.

Danh đã dùng số tiền 4.700 tỷ đồng để trả nợ cho BIDV (2.600 tỷ đồng), nhóm Phú Mỹ (135 tỷ đồng), nhóm Trần Ngọc Bích (620 tỷ đồng), chi tiêu cá nhân không xác định được (hơn 1.300 tỷ đồng). Theo luật sư Hoàng Đôn Hùng (Đoàn luật sư TP.HCM), thì hành vi của Phạm Công Danh thực chất là lừa đảo chiếm đoạt tài sản ?

Bản án sơ thẩm nhận định, tiền Phạm Công Danh rút từ VNCB là vật chứng của vụ án. Do đó, sau khi trừ đi giá trị tài sản thế chấp, đã quyết định thu hồi các khoản mà Danh đã trả cho nhóm Phú Mỹ (97 tỷ đồng), nhóm Trần Ngọc Bích (434 tỷ đồng).

Khoản hơn 1.300 tỷ đồng Phạm Công Danh không khai chi vào việc gì nên không thu hồi được. Riêng khoản 2.600 tỷ đồng đã trả cho BIDV. Bản án sơ thẩm nêu khoản này liên quan đến sai phạm tại BIDV do trước đó BIDV đã cho các Cty của Phạm Công Danh vay.

Hội đồng xét xử đề nghị Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật. Do đó, không thu hồi số tiền 2.600 tỷ đồng trong vụ án này.

Theo luật sư Hoàng Đôn Hùng, việc xác định tiền vay của VNCB là vật chứng và thu hồi từ các cá nhân đã nhận tiền của Phạm Công Danh có thể tạo ra các tiền lệ ảnh hưởng đến sự ổn định của các giao dịch kinh tế, dân sự trong xã hội.

Các cá nhân nhận tiền của Phạm Công Danh không thể và không có nghĩa vụ phải biết về nguồn tiền của Phạm Công Danh, không thể biết và không thể chịu trách nhiệm về khoản vay trái pháp luật của Phạm Công Danh tại VNCB.

Pháp luật đã có quy định về bảo vệ quyền lợi của người ngay tình. Đơn cử như nếu Phạm Công Danh dùng tiền vay VNCB đi ăn phở thì không thể thu hồi tiền từ người bán phở.

Bên cạnh đó, nếu đã xác định 4.700 tỷ đồng tiền vay VNCB là vật chứng trong vụ án này thì việc không thu hồi 2.600 tỷ từ BIDV là không phù hợp vì theo quy định pháp luật, vật chứng trong vụ án nào phải được xử lý trong vụ án đó, thiệt hại trong vụ án nào phải được thu hồi trong vụ án đó.

Nếu đã là vật chứng phải thu hồi, thì việc thu hồi không liên quan đến kết quả xử lý sai phạm tại BIDV. "Vụ việc cho vay tại BIDV cho đến nay chưa biết khi nào sẽ hoàn tất quá trình điều tra, truy tố, xét xử, câu hỏi về việc có thu hồi số tiền này hay không chưa được giải đáp.

Như vậy, liệu có đảm bảo được nguyên tắc các cá nhân, tổ chức, các thành phần kinh tế đều bình đẳng trước pháp luật?", luật sư Hùng nhận xét như vậy.

Sau Việt Nam, Foodpanda của Rocket Internet tiếp tục đóng cửa vĩnh viễn ở Indonesia

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét